Kim Vũ chính thức khởi động dự án tái sinh quần áo cũ: Hành trình kiến tạo thời trang tuần hoàn
Sự bùng nổ của “thời trang nhanh” (fast fashion) đã mang đến những hệ lụy đáng báo động về môi trường. Xu hướng này khuyến khích người tiêu dùng mua sắm với tần suất chóng mặt, dẫn đến việc sản xuất ồ ạt và thải bỏ quần áo một cách nhanh chóng. Hàng tấn quần áo cũ bị chôn lấp hoặc đổ ra môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Hình ảnh “bãi rác quần áo của thế giới” tại Accra, Ghana – nơi tiếp nhận 15 triệu chiếc quần áo cũ mỗi tuần – là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta về tác động tiêu cực của thời trang nhanh.
Đứng trước những thách thức đó, thời trang tuần hoàn không chỉ là một xu hướng tức thời mà còn là hướng đi tất yếu và bền vững trong tương lai. Với mong muốn được hoà mình vào dòng chảy ấy, Kim Vũ tự hào là thương hiệu kinh doanh vải theo mô hình truyền thống, có hoạt động tái sinh quần áo đầu tiên tại Việt Nam.
Dự án tái sinh quần áo cũ là một bước đi chiến lược, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Kim Vũ trong việc hướng tới một mô hình thời trang tuần hoàn, thay vì mô hình thời trang tuyến tính, góp phần chuyển hoá giá trị cho những chiếc quần áo cũ tưởng chừng như chỉ có thể vứt đi.
Hợp tác cùng Nam Phong – Chung tay kiến tạo tương lai xanh:
Để hiện thực hóa sứ mệnh này, Kim Vũ đã chính thức bắt tay với Công Ty TNHH Công Nghiệp Nam Phong – một doanh nghiệp có hơn 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thu gom, xử lý sơ bộ và tái chế vật liệu thứ cấp, phế liệu được tạo ra từ các ngành công nghiệp khác nhau, trong đó ngành công nghiệp thời trang.
Trước khi chính thức khởi động dự án, đội ngũ Kim Vũ đã có buổi gặp gỡ và làm việc với anh Huỳnh Đăng Khoa – Giám đốc công ty TNHH Công Nghiệp Nam Phong, để cùng nhau trao đổi, thống nhất quy trình hợp tác và mục tiêu chung. Buổi gặp gỡ đã kết thúc tốt đẹp đánh dấu bước ngoặt hợp tác đầy ý nghĩa giữa hai doanh nghiệp.
Sự kết hợp giữa kinh nghiệm và công nghệ của Nam Phong cùng với tầm nhìn và tâm huyết của Kim Vũ hứa hẹn sẽ tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của thời trang bền vững tại Việt Nam.
Khi 2 câu chuyện truyền cảm hứng gặp nhau
Chứng kiến lượng hao phí khổng lồ trong ngành dệt may (7-15%), với hàng tấn vải bị thải bỏ mỗi ngày, anh Huỳnh Đăng Khoa ấp ủ khát khao tìm ra giải pháp “giải cứu” chúng. Khác biệt với những nhà máy khác, Nam Phong sở hữu công nghệ hiện đại có khả năng xử lý hầu hết các loại vải trên thị trường, từ cotton, polyester đến các loại vải dệt kim, dệt thoi, không dệt… Mỗi năm, Nam Phong có thể xử lý hơn 50.000 tấn vật liệu thứ cấp, phế liệu, quần áo, vải,…
Cùng chung khát vọng kiến tạo một ngành thời trang bền vững, chị Trần Hoàng Kim Ngân – Phó Giám đốc Công ty TNHH Vải sợi và Kim Vũ, thấu hiểu sâu sắc những thách thức và trách nhiệm của thời trang với môi trường. Dưới sự dẫn dắt của chị, Kim Vũ – một thương hiệu uy tín về vải sợi và thời trang có kinh nghiệm hơn 3 thập kỷ, chính thức bước vào hành trình ý nghĩa với dự án thu hồi và tái chế quần áo cũ.
Bước đầu, Kim Vũ kết nối với nhiều doanh nghiệp đối tác hiện tại để thu hồi và tái sinh những đồng phục cũ, thổi hồn vào chúng một vòng đời mới. Tầm nhìn của dự án không dừng lại ở đó, Kim Vũ ấp ủ lan tỏa sứ mệnh này đến toàn bộ cộng đồng, kiến tạo nên một chiến dịch ý nghĩa, có sức ảnh hưởng sâu rộng, góp phần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng thời trang của người Việt.
Khi hai câu chuyện truyền cảm hứng gặp nhau, sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến của Nam Phong và tâm huyết và mạng lưới đối tác bền vững của Kim Vũ hứa hẹn sẽ tạo nên một sức mạnh cộng hưởng, mở ra chương mới cho thời trang tuần hoàn tại Việt Nam.
Quy trình tái sinh quần áo chuyên nghiệp:
- Thu gom: Kim Vũ nhận quyên góp các loại quần áo cũ tại cửa hàng và vận chuyển đến nhà máy Nam Phong
- Phân loại: Quần áo được phân loại theo chất liệu, màu sắc và tình trạng.
- Xử lý: Vải được làm sạch, loại bỏ các chi tiết không cần thiết như nút, khóa kéo…
- Tái chế: Tùy theo từng loại vải, Nam Phong sẽ áp dụng các phương pháp tái chế khác nhau, chẳng hạn như nghiền nhỏ thành sợi, ép thành tấm, nấu chảy thành các hạt nhựa,…
Sản phẩm đa dạng, ứng dụng rộng rãi:
Từ những chiếc quần áo cũ tưởng chừng như bỏ đi, Nam Phong cùng Kim Vũ đã kiến tạo nên những sản phẩm mới với nhiều ứng dụng thiết thực trong cuộc sống:
- Vải không dệt: Được sử dụng để sản xuất khẩu trang, tã lót, vật liệu y tế…
- Sợi tái chế: Dùng để sản xuất quần áo mới, đồ nội thất, vật liệu cách nhiệt…
- Các sản phẩm khác: Túi xách, phụ kiện thời trang, đồ gia dụng…
Dự án tái sinh quần áo cũ không chỉ mang ý nghĩa về mặt môi trường mà còn chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Nó khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường, khuyến khích sự sáng tạo và lan tỏa tinh thần sẻ chia trong cộng đồng. Hơn thế nữa, dự án góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành thời trang Việt Nam.