Dự án nghiên cứu phát triển sợi bền vững cho ngành may mặc Việt Nam được phát triển bởi Kim Vũ và Đại Học Bách Khoa.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang đang hướng tới mục tiêu bền vững, một dự án nghiên cứu đầy hứa hẹn đã được thực hiện giữa Công ty TNHH Vải Sợi và Thời Trang Kim Vũ và Khoa Công nghệ May, Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM. Với sự dẫn dắt của PGS.TS. Bùi Mai Hương và Ths Trần Hoàng Kim Ngân, dự án đã vượt qua nhiều thử thách kỹ thuật để đưa các loại xơ thiên nhiên vào sản xuất sợi và các sản phẩm thời trang.
Xơ từ các phụ phẩm nông nghiệp: Chất liệu tự nhiên với tiềm năng lớn trong ngành dệt may
Xơ dứa, xơ chuối, tơ sen, lục bình là các nguyên liệu tự nhiên, không chỉ nổi bật nhờ khả năng phân hủy sinh học mà còn có tiềm năng lớn trong ngành công nghiệp dệt may.
Vì Việt Nam sở hữu nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú, có thể tận dụng để sản xuất sợi vải tự nhiên. Chẳng hạn như Miền Nam Việt Nam là nơi có sản lượng dứa lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 90% diện tích trồng dứa (Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia).
Bên cạnh đó, sản lượng cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,816 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Brazil (Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam). Mỗi cốc cà phê chỉ tiêu thụ khoảng 0,2% nước cà phê, trong khi 98% còn lại là bã cà phê bị loại bỏ. Các loại phụ phẩm khác như tre, chuối, lục bình cũng góp phần cung cấp nguyên liệu tự nhiên cho sản xuất vải sợi.
Với những tiềm năng đó, dự án nghiên cứu của Kim Vũ và Các chuyên gia đầu ngành tại Đại học Bách Khoa đã tận dụng các nguồn nguyên liệu phong phú này để phát triển vải sợi. Quy trình cotton hoá đã giúp xơ thành vật liệu bền, mịn và dễ chế biến, mở ra cơ hội ứng dụng rộng rãi trong ngành thời trang bền vững tại Việt Nam.
Dự án nghiên cứu xơ từ các phụ phẩm của nông nghiệp tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà đã tạo ra những sản phẩm thực tế mang tính ứng dụng cao:
- Xơ thô: Xơ thô được tận dụng từ các nguồn phụ phẩm nông nghiệp như dứa, lục bình, tre, mang lại giá trị sử dụng cao và thân thiện với môi trường. Đây là nguyên liệu cơ bản trước khi được xử lý để chế tạo các sản phẩm khác.
- Sợi tự nhiên: Sợi tự nhiên được cotton hoá từ xơ thô, qua quá trình chế biến để tạo thành các sợi mềm mại dễ dàng sử dụng trong sản xuất vải và các sản phẩm dệt may
- Vải từ thiên nhiên: Vải từ thiên nhiên được làm từ các sợi tự nhiên như tre, cafe, dứa, bạc hà, mang lại tính chất mềm mại, thoáng khí và thân thiện với môi trường. Các loại vải này không chỉ bền vững mà còn có khả năng kháng khuẩn, hút ẩm tốt, giúp tạo ra những sản phẩm thời trang an toàn và thoải mái cho người sử dụng.
- Sản phẩm thời trang: Quần áo, túi xách, đầm váy, phụ kiện từ vải tự nhiên mang lại sự kết hợp hoàn hảo giữa tính thẩm mỹ và sự bền vững.
Vải tự nhiên không chỉ thân thiện với môi trường mà còn sở hữu nhiều tính năng ưu việt như độ bền cao, nhẹ, thoáng khí, thấm hút tốt,… Đặc biệt một số loại vải, như vải sợi dứa còn có tính kháng tia UV, kháng khuẩn tự nhiên lên đến 99%, giúp người mặc cảm thấy thoải mái suốt cả ngày.
Kết quả đáng tự hào cùng những tác động tích cực từ dự án đến môi trường, kinh tế
Việc nghiên cứu và ứng dụng các loại xơ bền vững trong ngành dệt may mang lại những tác động tích cực rõ rệt đối với môi trường. Theo UNEP, ngành dệt may tiêu thụ 79 triệu tấn polyester mỗi năm, chiếm 60% tổng lượng vải toàn cầu, tạo ra khối lượng lớn rác thải nhựa không phân hủy. Việc thay thế polyester bằng xơ bền vững sẽ giúp giảm đáng kể lượng chất thải nhựa. Ngoài ra, sản xuất vải từ xơ từ thiên nhiên giúp tiết kiệm nước và giảm phát thải CO2 hơn so với vải cotton hoặc polyester.
Bên cạnh những lợi ích môi trường, vải từ thiên nhiên còn mở ra cơ hội kinh tế lớn trong bối cảnh thị trường thời trang bền vững đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Nielsen (2019), 66% người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu bền vững. Điều này không chỉ giúp ngành dệt may Việt Nam phát triển thêm dòng sản phẩm xanh mà còn thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đáp ứng xu hướng tiêu dùng toàn cầu.
Lời cảm ơn đến Khoa Công Nghệ May và PGS.TS. Bùi Mai Hương
Công ty Kim Vũ xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Khoa Công nghệ May, Đại học Bách Khoa TP.HCM, cùng PGS.TS. Bùi Mai Hương và các bạn sinh viên đã đồng hành cùng Kim Vũ trong dự án nghiên cứu và phát triển các loại sợi bền vững. Sự hỗ trợ nhiệt tình và chuyên môn sâu của các thầy cô và sinh viên đã góp phần quan trọng vào thành công của dự án, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam.